Trang chủ | NHẬT BẢN

  • Những điều bạn cần biết khi sang Nhật Bản làm việc

  • Khi sang lao động Nhật Bản và sinh sống bạn tự hỏi vấn đề ăn ngủ nghỉ sẽ như thế nào? Điện nước ra làm sao? Đi làm bằng phương tiện gì?… Đó là những câu hỏi bạn tự đặt ra mà chưa có câu trả lời. Bạn có ý định sang làm việc tại Nhật Bản? Hay đơn giản muốn khám phá đất nước, con người Nhật Bản? Hãy đọc bài này nhé, kinh nghiệm cần có cho các bạn lao động tu nghiệp sinh Nhật Bản trước khi sang lao động ở Nhật Bản.

    1. Nước máy từ vòi ở Nhật có thể uống ngay. Không giống như Việt Nam, hệ thống lọc nước máy của Nhật rất khoa học và ao toàn. Tuy nhiên, phần lớn người dân lại cho rằng nước máy uống vào không ngon và họ thường dùng nước tinh khiết đóng chai mua ở cửa hàng.

    2. Vấn đề về điện. Ở Nhật Bản hầu như không mất điện. Tôi đã ở Nhật trên 8 năm mà chỉ mất điện 1 lần trong 1 phút!

    3. Quả hồng (柿 kaki) tại Nhật khi hái từ cây xuống có thể ăn ngay, ăn ngon và hoàn toàn không chát và không cần ngâm như hồng Việt Nam. Có nhiều giống hồng với hình dáng quả và vị ngon khác nhau. Nhiều nhà Nhật trồng hồng trong vườn nhưng hoàn toàn không ăn mà để rụng hết. Lý do: Họ sợ không an toàn thực phẩm!

    4. Đất nước an toàn nhất trên thế giới chính là Nhật Bản: Bạn có thể đi dạo vào giữa đêm khuya trên một con đường vắng. Người Nhật có thói quen lịch sự là đi cách xa bạn (hoặc lùi sau hẳn, hoặc tiến lên hắn) để không làm bạn lo lắng về sự an toàn cá nhân. Khi vượt ngang nhau họ cũng đánh vòng rất xa để tránh gây phiền về tâm lý cho bạn.

    5. Người Nhật dù ở bất kể tuổi tác như thế nào vẫn rất mê truyện tranh. Lý do: Đi tàu chẳng biết làm gì ngoài đọc truyện tranh giết thời gian.

    6. Nhật Bản là đất nước duy nhất bạn không lo bị đói, kể cả giữa đêm khuya: Các quán ăn như Matsuya, Yoshinoya,… mở cửa 24 giờ, các cửa hàng tiện lợi (kombini) và một số siêu thị cũng mở cửa 24 giờ, 365 ngày một năm. Bạn có thể đi ăn vào lúc 3 giờ sáng! Rất nhiều thanh niên Nhật sống về đêm: Nhiều người đến các quán ăn vào 3, 4 giờ sáng

    7. Tỷ lệ tự sát ở Nhật là cao nhất trong các nước phát triển (30 / 100.000 dân), khoảng 30 ngàn người một năm. Lý do tự sát: Trầm cảm, bế tắc. Nhật Bản không phải là nước dẫn đầu về tự sát. Quán quân là Nga và sau đó là một số nước Đông Âu. Nhật chỉ dẫn đầu trong nhóm nước tư bản phát triển cao mà thôi.

    8. Phần lớn người Nhật sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại: Họ đi bộ ra ga, lên tàu, xuống tàu ra khỏi ga và đi bộ tới trường hoặc nơi làm. Tàu điện tại Nhật chính xác từng phút. Điều này khác châu Âu hay Mỹ và tất nhiên là cả tàu hỏa của Việt Nam chúng ta (nơi tàu điện/ tàu hỏa có thể đến trễ hoặc bỏ chuyến). Một ngày trung bình người Nhật dành 1 giờ đến 3 giờ ngồi trên tàu để đi học và đi làm.

    9. Mỗi khi bạn đi tàu điện mà có thông báo “人身事故” (jinshin jiko = nhân thân sự cố) thì gần như chắc chắn đã có người nhảy tàu tự sát. Và đây là điều thường xuyên xảy ra tại Nhật.

    10. Không khí tại Nhật rất trong lành. So với các thành phố lớn của Trung Quốc hay Việt Nam thì Nhật Bản là thiên đường về không khí sạch. Ở Nhật, bạn không lo về vấn đề nhà vệ sinh: Chỉ cần vào bất cứ siêu thị thực phẩm, siêu thị điện máy hay trung tâm thương mại là sẽ có. Ở Nhật không thiếu các công viên để các bạn nghỉ ngơi, thư giãn. Trong mọi khu dân cư đều có công viên.

    11. Một nhân viên công ty của Nhật thường ở công ty từ 10 tiếng tới 16 tiếng một ngày. Lý do: Người Nhật rất e ngại nếu về trước cấp trên.

    12. Có những người đàn ông Nhật mặc com lê, thắt cà vạt rất lịch sự, tay xách cặp đi làm nhưng ra công viên ngồi cả ngày. Họ là những người thất nghiệp và không muốn mất mặt với gia đình.

    13. Người Nhật không xin ăn. Nếu không có gì ăn họ sẽ đi lượm lon bán ve chai, ngủ trong thùng các tông, kiếm thức ăn thừa từ các cửa hàng tiện lợi, quán ăn (moi túi rác).

    14. Ức hiếp (ijime) là vấn đề lớn của xã hội Nhật. Họ vẫn đang tìm mọi cách bài trừ. Lý do: Người Nhật cảm thấy mất danh dự khi bị ijime nên thường giấu diếm và không phản kháng. Ở Việt Nam thì ngược lại: Trả thù ngay và đến đâu thì đến, gây ra những vụ án lãng xẹt thường chỉ từ cái nhìn đểu và lời thách thức.
    Ức hiếp (ijime) không phải là anh A ijime chị B, chị B ijime cậu C, mà là tất cả hùa vào ijime một người yếu nhất.
    Bí quyết để chống lại ijime: Chơi tới bến và tới đâu thì tới. Hung thủ sẽ thường tới xin lỗi và giảng hòa với bạn. Thú thực với các bạn là tôi chưa bao giờ là nạn nhân của ijime vì tôi là người Việt Nam nên dù ở bất kỳ vị thế nào vì tôi là người hay sôi máu trước những bất công, ngang trái!

    15. Cảnh sát Nhật rất lịch sự và thân thiện. Có lẽ cảnh sát Nhật là những người mẫn cán và mẫu mực nhất thế giới. Khác hẳn cảnh sát Mỹ: Hống hách, ưa bạo lực. Cảnh sát Nhật thường đi tuần trên xe đạp màu trắng. Nếu bạn, qua cách ăn mặc hay vẻ mặt, tỏ ra là người nước ngoài thì có thể thỉnh thoảng bạn sẽ bị cảnh sát Nhật hỏi giấy tờ. Mục đích: Các vụ ăn cắp xe đạp vẫn diễn ra, họ kiểm tra xem xe bạn có hợp pháp không.

    16. Xe đạp ở Nhật có thể dựng ở siêu thị, cửa hàng. Tuy nhiên, nếu bạn để vào những chỗ cấm để xe, xe bạn có thể bị hốt. Khi bạn mua xe đạp ở Nhật, cửa hàng xe đạp sẽ làm “Đăng ký chống mất cắp” (防犯登録 bouhan touroku = phòng phạm đăng lục) cho bạn với giá 500 yên. Xe bạn sẽ được dán một mã số với thông tin bạn đăng ký. Bạn có thể không làm cũng được.

    Nếu bạn không “Đăng ký chống mất cắp” cho xe đạp của bạn, khi xe của bạn bị mất, bị hốt do để sai chỗ thì bạn sẽ khó tìm lại được. Ngoài ra, nếu bạn có đăng ký thì khi cảnh sát chặn lại họ sẽ dễ dàng gọi về trung tâm để xác minh đó là xe của bạn.

    Nếu xe bạn bị hốt do để sai chỗ, một giấy báo sẽ gửi về địa chỉ đăng ký (khi bạn làm “Đăng ký chống mất cắp”) của bạn. Bạn đến địa chỉ lưu xe cùng với giấy tờ tùy thân và nộp phạt (3000 yên/xe) rồi lấy xe về. Nếu bạn không có giấy báo (do đã chuyển địa chỉ chẳng hạn) thì lên mạng tra xem khu vực bạn để xe sẽ bị hốt về bãi xe nào và đến đó tìm.